Nhà thơ Lâm Xuân Thi: Kinh doanh để làm việc thiện

T Gioi Nghe Si healing 3

photographer-3986846 1280 1

Nhà thơ Lâm Xuân Thi: Kinh doanh để làm việc thiện

Viết bởi 
21/08/2013 - 20:27

Tôi biết Lâm Xuân Thi từ những năm 90 của thế kỷ trước, khi tôi còn công tác ở Báo Công an TP HCM. Thời điểm ấy, phong trào quần chúng bắt cướp lên rất cao, mỗi tháng đơn vị tổ chức giao lưu một lần với hơn chục quần chúng dũng cảm bắt cướp ở khắp các quận, huyện. Và mỗi gương quần chúng được vinh danh, Lâm Xuân Thi lại tình nguyện tặng một chiếc xe đạp Martin 107...

 

Sau đó chúng tôi kết hợp với Cung Văn hóa lao động TP HCM nâng tầm chương trình lên thành “Gương sáng phố phường”. Qua chương trình này, Lâm Xuân Thi đã tặng gần một ngàn chiếc xe đạp Martin 107 và cũng là nguồn tài trợ chính cho chương trình.

 

Tôi chuyển về Báo Công an nhân dân từ năm 2000. Từ đó, mỗi khi Báo Công an nhân dân tổ chức chương trình “Tết vì đồng bào nghèo” hay tặng xe đạp cho học sinh nghèo, học giỏi, Thi lại tham gia. Chiếc xe đạp Martin 107 được ban tổ chức mua làm quà tặng, và mỗi lần như vậy Lâm Xuân Thi lại giảm giá hoặc tặng năm hay mười chiếc.

 

Lam-Xuan-Thi-vanvn-2

 

Gần đây, Lâm Xuân Thi lấn sân sang ngành thiết kế thời trang và làm thơ. Nhiều người gọi Thi là nhà thơ, Thi từ tốn: “Tôi không phải nhà thơ, tôi chỉ có làm thơ, mê thơ, yêu mến các nhà thơ và hay đi chơi với nhiều nhà thơ mà thôi…”.

 

Đấy là Thi khiêm tốn, còn thực tế Thi làm thơ và được đăng trên tạp chí từ khi còn là sinh viên. Sau này anh có nhiều bài thơ hay và nhiều báo, tạp chí chọn đăng nên mọi người mới biết đến nhà thơ Lâm Xuân Thi.

 

Năm 2009, nhà thơ Lâm Xuân Thi còn cùng nhà thơ Hồ Thi Ca, Phan Hoàng thành lập quỹ Tình thơ nhằm giúp đỡ những nhà thơ gặp khó khăn, bệnh tật. Quỹ Tình thơ chủ yếu do Thi tài trợ đã hoạt đông rất hiệu quả đến nay.

 

Chuyện về Lâm Xuân Thi có nhiều báo khai thác, Thi lại là người tinh tế nên tôi rất đắn đo khi viết về Thi.

 

Thi kể với tôi chuyện ba mẹ định cư bên Pháp, vào đầu thập kỷ 90, ba mẹ bảo lãnh sang Pháp định cư. Thời điểm này cái mác Việt kiều làm mờ mắt nhiều chân dài và chuyện xuất ngoại là giấc mơ của nhiều người. Với Thi thì khác. Ngồi ở phi trường Tân Sơn Nhất với bạn bè trước giờ máy bay cất cánh, từng con đường, từng góc phố, hàng cây hiện về níu chân làm Thi không sao rời xa thành phố này. Thế là Thi đổi ý. Hôm sau, Thi gọi điện thoại xin lỗi ba, mẹ vì lý do: “Con không thể xa thành phố này được…!”.

 

Chuyện chiếc xe đạp Martin 107 Thi kể, thời còn là sinh viên, ước muốn có một chiếc xe đạp là giấc mơ của Thi. Mua xe ráp sẵn thì không ưng ý. Ngày chủ nhật, Thi lượn khắp các chợ phụ tùng xe để chọn những phụ tùng tốt nhất, sau đó mua về tự lắp ráp thành một chiếc xe đạp hoàn chỉnh và lấy mác Martin 107. Đến khi cưỡi xe đi học, nhiều người thấy chiếc xe vừa đẹp, vừa chắc ngỏ ý mua lại. Thấy bạn thích thì Thi chiều. Cứ thế, hết chiếc này đến chiếc khác và cái vận kinh doanh xe đạp bắt đầu vận vào Thi từ đó.

 

Nhưng cái nghiệp kinh doanh cũng lắm gian truân. Lúc khó khăn thì chẳng ai giúp, khi ăn nên làm ra thì nhiều người nhảy vào tranh giành  thị trường bằng đủ mọi chiêu. Có người còn thuê luôn căn nhà kế bên dãy cửa hàng Martin 107 của Lâm Xuân Thi rồi trưng biển bán xe đạp Martin 107 “nhái”. Mãi, lực lượng Công an quận 3 phải vào cuộc thì cái cửa hàng nhái đó mới bị dẹp.

 

Nào đã hết khổ, vào cuối những năm 90 của thế kỷ trước, nhiều nhà máy sản xuất xe đạp quy mô của nhà nước với hàng trăm công nhân cũng bị khai tử tức tưởi vì xe đạp secondhand của Nhật, xe đạp giá “bèo” của Trung Quốc tràn ngập thị trường. Trong bối cảnh ấy, thương hiệu xe đạp Martin 107 cũng lao đao. Lâm Xuân Thi phải kết hợp với một thương hiệu xe đạp nổi tiếng của Đài Loan để giữ thị phần.

 

Rồi “xế nổ” lên ngôi, “xế điếc” hết thời, Thi phải xoay sang xe đạp thể thao, xe đạp trẻ em và kinh doanh thêm xe tay gas để tồn tại. Nhưng dù gì thì Thi vẫn bền bỉ với đứa con Martin 107.

 

Tôi thích sự tinh tế của Thi. Không khoa trương ồn ào, đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên là những gì tôi thường thấy ở Thi. Những năm gần đây công ty của Thi đã thêm chức năng mới, Công ty Thời trang và Xe đạp Martin 107. Sự ra đời và phát triển của thương hiệu xe đạp Martin 107 đến hôm nay tôi thấy Thi đã lao tâm, khổ tứ nhiều, vậy mà anh vẫn còn thời gian lấn sân sang lĩnh vực thời trang và còn sáng tác thơ, quả là con người lắm tài.

 

Năm mới, chúc nhà thơ Lâm Xuân Thi  tiếp tục nâng tầm cho thương hiệu Martin 107 và tiếp tục có những vần thơ hay.

 

Nguyễn Thanh Hải/https://cand.com.vn/nhip-cau-nhan-ai/Nha-tho-Lam-Xuan-Thi-Kinh-doanh-de-lam-viec-thien-i222026/