Nhà thơ Xuân Diệu không chỉ nổi tiếng với một khối tài sản thi ca đồ sộ mà còn khiến dư luận quan tâm bởi cuộc sống riêng với nhiều tin đồn về giới tính thật.
Nhà thơ Xuân Diệu và nhà thơ Huy Cận thời trẻ.
Mấy chục năm qua, câu chuyện về giới tính của nhà thơ Xuân Diệu luôn là đề tài được giới văn nghệ sĩ và độc giả quan tâm đặc biệt. Ở cuộc sống riêng của “ông hoàng thơ tình Việt Nam” luôn ẩn chứa những điều bí mật khiến người khác phải tò mò. Trong suốt một thế kỷ qua, nghi án giới tính của Xuân Diệu vẫn là một dấu hỏi lớn.
Đến năm 1993, khi nhà văn Tô Hoài công bố cuốn hồi ký “Cát bụi chân ai” thì bạn đọc mới tìm thấy câu hỏi về giới tính của nhà thơ Xuân Diệu. Dưới đây là một số trích đoạn trong cuốn hồi ký của nhà văn Tô Hoài viết về “tình trai”, về nỗi khổ tâm, dằn vặt của Xuân Diệu:
“Tôi quen Xuân Diệu trước 1945. Tôi cũng là người Xuân Diệu rủ đi nghe và cổ vũ Xuân Diệu lần đầu tiên thuyết đề tài Thanh niên với quốc văn ở giảng đường trường đại học Hà Nội. Xuân Diệu nói “Hoài đi ủng hộ Diệu”. Anh Hiến sinh viên mặt tái xanh nhút nhát ra giới thiệu lúng túng. Không sao, Xuân Diệu áo tuýt so lụa mỡ gà, cà vạt lấm tấm vàng sẫm, làn tóc rậm đen loăn xoăn trên đài trán đã thu hút người nghe vào ngay câu chuyện. Đột nhiên Xuân Diệu nói nhịu chữ “tâm hồn”- như một bà già trong làng bán bánh đúc có tật nói nhịu nhảm. Nhưng Xuân Diệu vẫn tiếp tục sang sảng hùng biện, không ai kịp sửng sốt.
Xuân Diệu và Huy Cận lên Nghĩa Đô, ở chơi cả buổi và ăn cơm. Dịu dàng, âu yếm, Xuân Diệu cầm cổ tay tôi, nắm chặt rồi vuốt lên vuốt xuống. Bốn mắt nhìn nhau đắm đuối. Xuân Diệu gắp thức ăn cho tôi. Cử chỉ thân thiết quá, hơi lạ với tôi, nhưng mà tôi cảm động. Tôi sướng mắt nhìn tập thơ, thơ khổ rộng nhà in Trung Bắc phố Hàng Buồm. Hai chữ Xuân Diệu nét chì sắc gợn, không phải chữ gỗ dẹp đét.
Thỉnh thoảng, Xuân Diệu lại lên nhà tôi. Vẫn nắm tay cả buổi, nhìn tha thiết. Xuân Diệu yêu tôi. Nhớ những tình yêu con trai với nhau, ở trong làng và ở lớp, khi mới lớn. Học lớp nhất trường Yên Phụ, nói vỡ tiếng ồ ồ, mặt xùi trứng cá, chúng nó cứ bảo tôi là con gái. Nhiều thằng cặp đôi với tôi, đòi làm vợ chồng. Có hôm chúng nó tranh vợ đánh nhau lung tung. Có đứa xô vào ôm chặt, sờ soạng toạc cả đũng quần tôi. Nhiều hôm đi học không dám đến sân trường sớm. Phải lẩn vào trong ngõ Trúc Lạc, nghe trống mới chạy ù đến xếp hàng vào lớp.
….. Cả dạo mưa gió, Xuân Diệu ở lại u tỳ quốc không ra ngoài. Giọt gianh lách tách mái nứa gọi về những đêm ma quái, rùng rợn, say đắm. Bàn tay ma ở đâu sờ vào. Không phải. Tay người, bàn tay người đầy đặn, ấm ấm. Hai bàn tay mềm mại xoa lên mặt lên cổ rồi xuống dần khắp mình trần truồng trong mảnh chăn dạ. Bóng tối bập bùng lên như ngọn lửa đen không có ánh, cái lạnh đêm mưa rừng ấm dần lên. Chẳng còn biết đường ở đâu, mình là ai, ta là ai, hai cơ thể con người quằn quại, quấn quýt, cánh tay, cặp đùi thừng chão trói lại, thít lại, dằng ra. Niềm hoan lạc trong tôi vỡ ra, dữ dội dằn ngửa cái xác thịt kia.
Rồi bàn tay dịu dàng lại vuốt lên mặt. Lần này thì tôi lử lả, tôi nhuôi ra rên ư ử, như con điếm mê tơi không nhớ nổi người thứ mấy, thứ mấy nữa. Trời rạng sáng. Xuân Diệu trở về màn mình lúc nào không biết. Tôi he hé mắt nhớ lại những hứng thú khủng khiếp. Những cảm giác nồng nàn kích thích trong bóng tối đã trơ ra khi sáng bạch. Tôi chạy xuống cánh đồng giữa mưa. Nhưng đêm mai lại vào cuộc dữ dội. Trong đêm quái quỷ lại thấy hình như không phải mình mọi khi, cũng không biết rồi trời lại sáng. Cho đến khi thật thấy rạng sáng mới rờn rợn”.
Khi bị phát hiện chuyện giới tính, bị kiểm điểm, Xuân Diệu chỉ biết khóc trong sự dằn vặt, đau đớn. Tô Hoài kể:
“Xuân Diệu chỉ ngồi khóc, chẳng biết Nam Cao, Nguyễn Huy Tưởng, Trọng Hứa, Nguyễn Văn Mãi, cả lão Hiến, thằng Nghiêm Bình, thằng Đại và mấy thằng nữa, có ai ngủ với Xuân Diệu không, nhưng cũng không ai nói ra. Tôi cũng câm như hến. Lúc rồ lên, trong đêm tối quyến rũ, mình cũng điên kia mà. Không nói cụ thể việc ấy, nhưng ai cũng to tiếng gay gắt “tư tưởng tư sản, phải chừa đi”. Xuân Diệu nức nở “tình trai của tôi…tình trai…” rồi nghẹn lời, nước mắt lại ứa ra.
Ít lâu sau, trong một cuộc họp ban chấp hành, Xuân Diệu bị đưa ra khỏi ban thường vụ. Và cũng thành một cái nếp kéo dài, từ đấy không ai nhắc nhở đến những việc chủ chốt trước kia Xuân Diệu đã phụ trách. Bỗng dưng, Xuân Diệu thành một người hiếm thì giờ chỉ chuyên đi viết. Mà Xuân Diệu cũng tự xa lánh mọi công tác”.
Thời của Xuân Diệu, Luật pháp nước ta chưa thừa nhận quan hệ đồng tính như bây giờ. Chính vì thế, nỗi đau, sự thiệt thòi của Xuân Diệu càng nặng trĩu hơn. Nhà thơ Xuân Diệu tên thật là Ngô Xuân Diệu, sinh ngày 2 tháng 2 năm 1916, ở làng Trảo Nha, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Bên cạnh sáng tác thơ, Xuân Diệu còn viết cho các báo như Ngày Nay và Tiền Phong. Sau đấy ông tham gia sáng lập Đoàn báo chí Việt Nam, nay là Hội Nhà báo Việt Nam.
Trong suốt cuộc đời cầm bút, Xuân Diệu đã viết tổng cộng khoảng trên 5.000 trang sách có giá trị. Ông đã vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất (1985) và Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật (đợt I, năm 1996).
Theo NGƯỜI ĐƯA TIN