Loạn “Hoa hậu ao làng”: Vì sao?

T Gioi Nghe Si healing 3

photographer-3986846 1280 1

Loạn “Hoa hậu ao làng”: Vì sao?

Viết bởi 
30/06/2022 - 13:34

Tính từ đầu năm đến nay, đã có 18 cuộc thi nhan sắc được tổ chức, chưa tính các cuộc thi hoa khôi, người đẹp cấp tỉnh thành. Đây được cho là ''kết quả'' sau khi Nghị định 144/2020/NĐ - CP về hoạt động biểu diễn nghệ thuật không giới hạn số lượng các cuộc thi hoa hậu, hoa khôi, người mẫu trong 1 năm được ban hành.

 

 

“Lạm phát” hoa hậu

 

Bên cạnh những cuộc thi uy tín là Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam, Hoa hậu Thế giới Việt Nam, năm 2022 có nhiều cuộc thi mới được khởi động như: Hoa hậu Các dân tộc Việt Nam, Hoa hậu Siêu quốc gia Việt Nam, Hoa hậu Hòa bình Việt Nam, Hoa hậu Trái đất Việt Nam, Hoa hậu Thể thao Việt Nam, Hoa hậu Du lịch Việt Nam Toàn cầu, Hoa hậu Doanh nhân Hoàn vũ, Hoa hậu Doanh nhân Toàn cầu, Hoa hậu Quý bà Việt Nam Toàn cầu, Hoa hậu Quý bà Liên hiệp quốc Việt Nam… Đếm sơ, từ nay tới cuối năm, showbiz Việt cũng có ít nhất gần 60 tân hoa hậu, á hậu, hoa khôi, á khôi, người đẹp.

 

Loạn “Hoa hậu ao làng”: Vì sao? -0
Chung kết hoa hậu Doanh nhân Việt Nam toàn cầu chỉ có 6 thí sinh tranh tài. Cả 6 người đều có giải.

 

Theo tìm hiểu, mặc dù mang tên gọi khác nhau nhưng một số cuộc thi nói trên không có nhiều sự khác biệt. Số lượng thí sinh tham gia chỉ dừng lại ở con số trên dưới 30 người. Đã vậy, chất lượng thí sinh cũng không ít lần khiến khán giả… “hết hồn”. Các tiêu chí, giải thưởng cũng sẽ na ná nhau: Người đẹp tài năng, Người đẹp nhân ái, Người đẹp thể thao… Thậm chí, Hoa hậu Thế giới Việt Nam, Hoa hậu Quý bà Việt Nam Toàn cầu… thậm chí còn sẵn sàng chấp nhận thí sinh từng phẫu thuật thẩm mỹ.

 

Sự trở lại ồ ạt của các cuộc thi nhan sắc cũng kéo theo hàng loạt gương mặt cũ trở lại cùng tranh tài. Không khó để tìm ra những “gương mặt thân quen” miệt mài “chạy show” ứng thí, tìm kiếm danh hiệu từ cuộc thi này đến cuộc thi khác, từ năm này qua năm khác. Nam Em – nhan sắc đã “nhẵn mặt” trên đấu trường nhan sắc và nắm trong tay cả loạt danh hiệu như Hoa khôi Đồng bằng sông Cửu Long 2015, Top 8 Miss Earth 2016 là một ví dụ. Năm nay, cô trở lại tranh tài ở Hoa hậu Hoàn Vũ Việt Nam cùng với Hương Ly - quán quân Vietnam's Next Top Model 2015; Quán quân Việt Nam Next Top Model 2016, Hoa hậu Siêu quốc gia Việt Nam, top 10 Miss Supranational 2019 – Ngọc Châu; Á hậu 2 Hoa hậu biển Việt Nam 2016, đại diện Việt Nam tham dự Miss Supranational 2017 - Nguyễn Đình Khánh Phương…

 

Loạn “Hoa hậu ao làng”: Vì sao? -0
Hương Ly (trái) và Ngọc Châu (phải) là những thí sinh quen mặt tại Hoa hậu Hoàn vũ 2022.

 

Cũng cần phải nhắc lại, Nghị định 144/2020/NĐ – CP nêu rõ, các cuộc thi người đẹp có quy mô toàn quốc, hay từng vùng trước đây phải do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) hoặc Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD) cấp phép thì nay chỉ cần thông qua UBND cấp tỉnh nơi tổ chức cuộc thi. Do đó việc nở rộ cuộc thi nhan sắc, dẫn đến tình trạng lạm phát hoa hậu là điều khó tránh khỏi.

 

Những thương vụ bạc tỷ

 

Các cuộc thi hoa hậu trước nay luôn được nhìn nhận ở góc độ văn hóa, tinh thần nhưng thực chất những thông tin người ta nghe được đằng sau đó lại là những thương vụ bạc tỷ. Câu chuyện Nguyễn Thúc Thùy Tiên được tiết lộ "bỏ túi" 100 triệu baht (khoảng gần 70 tỷ đồng) chỉ sau 3 tháng đăng quang Miss Grand International là một ví dụ điển hình.

 

 

 

Loạn “Hoa hậu ao làng”: Vì sao? -0
Hoa hậu Hòa bình thế giới 2021 Nguyễn Thúc Thùy Tiên.

 

Cụ thể, Chủ tịch Miss Grand International - ông Nawat Itsaragrisil tiết lộ, Thùy Tiên kiếm về hơn 70 tỷ cho tổ chức sau 3 tháng nhờ loạt hợp đồng quảng cáo, đại sứ thương hiệu, độ phủ sóng trong nhiều chương trình và sự kiện. Dễ dàng nhận thấy hoa hậu sinh năm 1998 xuất hiện dày đặc trong TVC quảng cáo của sàn thương mại điện tử, đồ công nghệ, thực phẩm, sản phẩm làm đẹp... Trên dưới 20 thương hiệu đã hợp tác với Thùy Tiên thời gian qua.

 

Đó còn chưa kể là những khoản thu không đếm xuể đối với đơn vị đứng ra tổ chức và hàng loạt nhãn hàng đứng sau. Thậm chí, rất nhiều doanh nghiệp muốn làm nhà tài trợ cho cuộc thi sắc đẹp. Tuy nhiên, đơn vị tổ chức phải từ chối vì đã nhận quá nhiều nhà tài trợ trước đó. Thử nhìn vào backdrop, banner ở các cuộc thi hoa hậu, số lượng nhà tài trợ rót vốn không hề dưới con số hàng chục.

 

Tại Việt Nam, chưa cuộc thi nào sẵn sàng công khai chi phí cụ thể cho việc tổ chức một cuộc thi hoa hậu, cũng như khoản thu được sau mỗi cuộc thi. Nhưng nhìn vào giải thưởng, cũng đủ thấy các nhà tài trợ bạch kim, nhà tài trợ vàng… đã chịu chơi, chịu chi ra sao? Đơn cử, tân Hoa hậu Du lịch Việt Nam toàn cầu 2021 Võ Thị Ngọc Giàu vừa đăng quang hồi tháng 5 vừa qua đã nhận được vương miện 3 tỉ đồng cùng bộ trang sức khoảng 300 triệu đồng. Á hậu 1 nhận vương miện 500 triệu đồng và bộ trang sức 150 triệu đồng. Á hậu 2 nhận vương miện 500 triệu đồng và bộ trang sức 100 triệu đồng.

 

Ngoài ra, Ban tổ chức còn bỏ túi từ các nguồn thu khác như: bán vé, quảng cáo, quản lý và cả… cấp phép hoa hậu. Đơn cử, đêm chung kết Hoa hậu Việt Nam 2020, thời lượng quảng cáo trong đêm chung kết là 20 phút. Tuy nhiên, thời lượng quảng cáo thực tế chiếm gần 1/4 trong 4 tiếng chương trình diễn ra. Đêm chung kết Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2019 phát sóng trên Kênh VTV1 có giá quảng cáo TVC lần lượt là 35 triệu/10s, 42 triệu/15s, 52,5 triệu/20s và 70 triệu/30s. Như vậy, tính riêng tiền quảng như thỏa thuận ban đầu, cuộc thi cũng thu về được hàng trăm triệu đồng. Năm nay, Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam cũng tổ chức bán vé cho đêm bán kết với mức giá từ 300.000 đồng – 1.500.000 đồng.

 

Chính Hoa hậu Việt Nam 2010 Đặng Ngọc Hân cũng thừa nhận điều này, khi đứng ở góc độ một nhà đầu tư. Cô cho rằng, việc ngày càng nhiều doanh nghiệp không ngại rút hầu bao tài trợ hoặc đứng ra kêu gọi tổ chức các cuộc thi nhan sắc phù hợp với xu thế của thị trường, đáp ứng quy luật cung – cầu hiện có. “Tại một đất nước mà người dân ưa chuộng các cuộc thi sắc đẹp, ắt hẳn sẽ có những người kinh doanh, phát triển thị trường này. Có thể trên truyền thông hay mạng xã hội, chúng ta hay nói về việc nở rộ các cuộc thi hoa hậu. Nhưng nếu không ai quan tâm, những cuộc thi đó có xuất hiện và tồn tại hay không? Tổ chức một cuộc thi nhan sắc cũng cần dựa trên nhu cầu, thị hiếu, quan điểm, nhận thức và văn hóa của mỗi quốc gia", nàng hậu bày tỏ.

 

Loạn hoa hậu, nỗi lo đến bao giờ?

 

Không phải đến bây giờ, việc bùng nổ cuộc thi nhan sắc mới khiến dư luận lo ngại chuyện "loạn hoa hậu". Trước băn khoăn này, bà Phạm Kim Dung - Trưởng ban Tổ chức Hoa hậu Thế giới Việt Nam lạc quan cho rằng, đúng là việc có quá nhiều hoa hậu sẽ khiến chúng ta dễ bị loạn danh xưng và mất dần đi giá trị của danh hiệu cao quý này. Song, chúng ta cũng không nên quá lo ngại. Theo bà Dung, chúng ta hãy để thị trường, khán giả quyết định sự tồn tại các cuộc thi. Cuộc thi nào chất lượng, mang giá trị thực cho xã hội sẽ phát triển, cuộc thi nào kém chất lượng, tự thân sẽ bị “đào thải”. “Bởi sau cùng, những nhan sắc tạo ra giá trị cho cộng đồng sẽ được quan tâm, còn những người theo chủ nghĩa cá nhân, không mang ý nghĩa gì cho xã hội thường không được chú ý”, bà Kim Dung nói thêm.

 

Loạn “Hoa hậu ao làng”: Vì sao? -0
Bà Phạm Kim Dung.

 

Đồng quan điểm, ông Trần Việt Bảo Hoàng - Phó ban Tổ chức Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam cho rằng, nên để khán giả quyết định và công nhận các cuộc thi nhan sắc. Vì có 1, 10, 20 cuộc thi hay nhiều hơn thì những cuộc thi uy tín, hoa hậu xứng đáng thì mới được khán giả nhớ tới. Lúc này, bài toán duy trì cuộc thi lại quay trở lại điểm xuất phát, đó chính là đơn vị tổ chức.

 

Cũng có ý kiến tin rằng, việc cấp phép tổ chức cuộc thi hoa hậu được đưa về địa phương là tỉnh, thành phố quản lý có sâu sát hay không, sau cùng vẫn sẽ được cơ quan quản lý cấp Bộ sẽ làm công tác hậu kiểm. Việc thu hồi danh hiệu, hủy kết quả… nếu vi phạm các điều khoản đã được nêu tại Nghị định 144/2020/NĐ – CP sẽ là lời giải cho các cuộc thi sai phạm. Song, không ít người cũng hoài nghi rằng, nếu tiếp tục “cởi trói” như vậy, nỗi lo loạn hoa hậu sẽ còn kéo dài đến bao giờ là câu hỏi chưa có hồi đáp.

 

Loạn “Hoa hậu ao làng”: Vì sao? -0
Ông Trần Việt Bảo Hoàng và Á hậu Hoàng Thùy.

 

Đây cũng là băn khoăn của Á hậu 2 Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2008 – Nguyễn Thụy Vân. Cô cho rằng, việc có quá nhiều cuộc thi nhan sắc sẽ gây ra sự loãng nhất định, khiến công chúng hoa mắt. Đặc biệt, khi chúng ta chỉ công tác hậu kiểm mà không làm công tác tiền kiểm. “Nhiều mà chất thì không sao nhưng nhiều mà không chất lượng, lại mua danh bán giải thì là câu chuyện đáng nói. Các bạn trẻ cần thấy được sự khó khăn để vươn tới được vinh quang chứ không phải mua danh bán giải và sau đó có những hệ lụy không tốt, ảnh hưởng tới giới trẻ”, Thụy Vân bày tỏ.

 

Xung quanh việc nở rộ các cuộc thi nhan sắc tại Việt Nam còn rất nhiều điều đáng bàn. Việc nới lỏng các cuộc thi là điều cần thiết nhưng “cởi mở” đến đâu thì cần dựa trên những quan điểm và chế tài hợp lý. Tất nhiên, thị trường có cầu, ắt hẳn có cung. Còn người mong danh hiệu để đổi đời, còn người mong có thêm sân chơi để thu lợi thì chắc chắn các cuộc thi sẽ vẫn còn diễn ra, bát nháo và lộn xộn.

https://cand.com.vn/Kinh-te-Van-hoa-The-Thao/loan-hoa-hau-ao-lang-vi-sao--i658357/