Ca sĩ Thủy Tiên và một số nghệ sĩ nổi tiếng, trong đợt bão lũ vừa là “cô Tiên” cứu thế, chỉ ít lâu sau đã thành tội đồ bị phê phán khắp cõi mạng.
Khi xảy ra 1 sự kiện gì đó thu hút sự quan tâm của nhiều người, giới truyền thông như chúng tôi thường có 1 công thức khai thác thông tin. Đầu tiên, tùy vào quy mô sự kiện, vài giờ hoặc 24h đầu tiên, người ta cố gắng trả lời câu hỏi “Chuyện gì đã xảy ra?”, “Tại sao?”, “Như thế nào?”. Ai, tờ báo nào, facebooker nào trả lời được những câu hỏi ấy nhanh nhất, chân thực hấp dẫn nhất là ghi điểm.
Sau đó, người ta sẽ có xu hướng tìm kiếm “Người anh hùng” và “Kẻ tội đồ”. Đó sẽ là luồng thông tin rất ăn khách…
Nó cũng giống như trong vụ cháy Chung cư Carina, bức ảnh chụp một người lính cứu hỏa bị bỏng tuột da tay mà vẫn hướng về các đồng đội và đám cháy, được đồng nghiệp của chúng tôi chụp và đưa lên mạng, chỉ vài giờ đã có hàng triệu lượt tương tác. Trong những ngày chống dịch căng thẳng, 1 hôm có bác sĩ trẻ cạo trọc đầu để tình nguyện “ra trận” ai ai cũng kể; Ngày nọ nhóm sv đi tình nguyện chống dịch mà đòi hỏi, chảnh chó… bỗng sáng nhất cõi mạng; Nửa đêm có anh “bác sỉ” Khoa rút ống thở cha mẹ cứu người dưng cả ngàn người chia sẻ. Sau 1 trận đấu bóng đá quan trọng, thường thường sẽ có anh hùng hay tội đồ nào đó, được cả cõi mạng tung hô hay ném đá, chế ảnh...
Có vô vàn ví dụ như vậy. Đó luôn là xu hướng truyền thông.
Nhưng hãy coi chừng, ở đó có những cái bẫy. Chưa chắc những gì bạn chứng kiến, hoặc nghe kể rồi chia sẻ lại đã là sự thật. Đôi khi, cảm tính sẽ khiến chúng ta nhận lầm. Gấp gáp kể cho mọi ng nghe về một "Anh hùng" mà ta vừa tìm thấy, hay vội vàng lên án một "Tội đồ" mà ta đã có công phát hiện. Hoặc như đa phần mọi người: Ào ào thần tượng một “Anh hùng” được ai đó vô tình hoặc cố ý dựng lên. Hay vội vàng vào hùa kết án một “Tội đồ” nào đó và đưa họ ra “pháp trường” cõi mạng mà chưa rõ thực hư.
Điều đáng tiếc, là hầu hết cư dân mạng, trong đó có nhiều bạn bè và người thân của tôi, dễ dàng bị lọt vào những cái bẫy truyền thông như vậy. Dẫn đến những hành xử không đúng sau đó.
Chẳng hạn như vụ Ca sĩ Thủy Tiên làm từ thiện. Lúc bão lũ, cô ấy được tung hô là cô Tiên giữa đời thường, không còn thiếu ngôn từ đẹp đẽ nào.
Và nay, cô ấy bị nghi ngờ, lên án, mạt sát, xỉ vả, mỉa mai khắp cõi mạng, không thiếu những lời tồi tệ nhất. Khi một “Anh hùng” thành “Tội đồ”. Điều đó càng tạo hiệu ứng lớn.
Tôi không hề đứng về phe Thủy Tiên hay các nghệ sĩ làm từ thiện. Khi nào có kết luận chính thức từ các cơ quan chức năng hãy hay. Nhưng tôi cho là đáng ra phần đông chúng ta nên phản ứng khác. Chúng ta có thể quan tâm đến câu chuyện, tìm cách gây sức ép để làm rõ câu chuyện, để nếu có ai đó làm sai thì phải chịu trách nhiệm. Chứ không phải vội vàng kết tội và mạt sát trong khi chưa có đủ thông tin như nhiều người đang làm hiện nay.
Mọi người nghĩ là mình đang vì công lý, nhưng hãy coi chừng, có 1 cái bẫy tâm lý giữa sự phẫn nộ và ghen tị. “Phẫn nộ được sinh ra trước sự thịnh vượng của những kẻ ác, ghen tị là trước hạnh phúc của những người tốt” (Aristotle).
Nhiều người cho là mình đang phẫn nộ, đòi hỏi công lý. Thực tế không phải. Vì chúng ta chưa chứng minh được Thủy Tiên là kẻ ác, cụ thể ở đây là ăn chặn tiền từ thiện. Các lý do, phân tích, mà mọi người đưa ra đến giờ chưa được công nhận tại một phiên tòa hay bởi cơ quan có trách nhiệm nào cả. Và nếu văn minh, chúng ta cần tôn trọng nguyên tắc suy đoán vô tội. Nếu muốn kết tội một ai đó, cơ quan hành pháp phải chứng minh họ có tội. Chứ họ không buộc phải chứng minh mình vô tội. Và khi họ chưa phải là kẻ ác (lại theo nguyên tắc suy đoán vô tội) thì, tạm thời, họ là người tốt.
Còn khi chứng minh họ là kẻ ác rồi, ta sẽ lên án bằng tất cả sự phẫn nộ của mình cũng không muộn. Tôi cho như thế mới là văn minh.
LÀM THẾ NÀO ĐỂ TRÁNH RƠI VÀO BẪY?
Đó là nguyên tắc tiếp cận đủ nguồn tin. Thông thường, trong truyền thông, chúng tôi cần tiếp cận 4 nhóm nguồn tin: nôm na dễ hiểu là “Nạn nhân”, “Thủ phạm”, “Cơ quan quản lý” và “Chuyên gia độc lập”. Có thông tin từ họ, chúng ta sẽ có 1 cái nhìn tương đối khách quan. Có đôi khi, một hoặc một số nguồn tin né tránh, từ chối trả lời. Nhưng với nỗ lực tìm đến họ, ít nhất chúng ta cũng có căn cứ để đánh giá. Giống báo chí thường có câu: “chúng tôi đã nỗ lực liên hệ… nhưng không nhận được câu trả lời…”, hay 1 câu phỏng vấn trên sóng kiểu như “Tôi xin nhắc lại câu hỏi lần thứ 5: Theo ông trách nhiệm vụ này thuộc về ai?”. Thực ra thì lúc đó câu trả lời đâu còn quan trọng nữa. Đại khái thế, dù nguồn tin có xua tay, có từ chối hay né tránh, ít nhất khán giả có thêm 1 thông tin để đánh giá. Và từ đó họ có cái nhìn toàn diện hơn. Nếu bạn không tiếp cận đủ nguồn tin, có thể bạn sẽ chưa thấy toàn bộ câu chuyện.
Tương tự, trong các vụ việc trên mạng, nếu chúng ta cố gắng tiếp cận thông tin ở cả 4 nguồn trên thì sẽ có cái nhìn toàn diện hơn khá nhiều. Còn khi chưa có đủ nguồn tin, thì đừng vội vàng kết luận. Từ từ khoai sẽ nhừ. Tôi sẽ để đó xem rốt cuộc là chuyện gì đang xảy ra? Còn nếu nóng lòng, hãy hành động để sớm có được thông tin từ các nguồn đó.
Ví dụ như vụ Thủy Tiên, bạn thử xem nguồn tin thứ nhất, các nạn nhân, hay những người thụ hưởng, những người dân đã được ủng hộ đợt lũ rồi họ nói gì? Càng nhiều người dân ở nhiều địa phương càng tốt, chính quyền ở đó có thống kê ghi chép gì không? Dân họ được phát tiền có giống nhau không? Có chỗ nào không đúng với thông tin Thủy Tiên công bố không?
Nguồn tin thứ 2, Thủy Tiên nói gì. Cứ tạm thời nghe hai tai đã. Đánh giá cảm nhận là tùy bạn.
Thứ ba, cơ quan chức năng đã lên tiếng gì chưa? Có điều tra kết luận gì chưa? Đó là nguồn thông tin quan trọng đấy chứ.
Cuối cùng, thử xem mấy ông chuyên gia độc lập kiểu KOL, luật sư, mấy ông chuyên đi làm từ thiện dạng chuyên nghiệp nói gì? Search coi trên thế giới có mấy chuyện như vậy không? Người ta xử lý như thế nào? Các nguồn tin đó tạm có thể coi là chuyên gia độc lập.
Trong vụ Thủy Tiên, nguồn tin thứ 3 là các cơ quan chức năng như công an, tòa án… chưa vào cuộc và chưa có kết luận. Thì rõ ràng là chưa đủ nguồn tin rồi. Vậy mà ta đã vội vàng lên án?
“Nếu không lên tiếng thì vụ việc sẽ chìm xuồng, rồi ai tìm công lý cho người dân”? Nhiều người giải thích như thế, họ phải chửi bới, mạt sát, “làm cho ra nhẽ”, để vấn đề phải được giải quyết triệt để. Điều đó theo tôi cũng không đúng. Trong vụ việc này, nếu muốn truy tìm công lý, các bạn phải hành xử khác và gây sức ép với các đối tượng khác.
Chẳng hạn: Báo chí ở đâu? Những tờ báo hàng ngày đăng rất nhiều tin tức về đời tư người nổi tiếng câu view, giờ phải có trách nhiệm làm rõ mối quan tâm của khán giả, phải điều tra độc lập, tiếp cận các nguồn tin, phỏng vấn người dân, vợ chồng Thủy Tiên, cơ quan chức năng, chuyên gia độc lập thay chúng tôi, không thể quay lưng với khán giả. Cơ quan công an đâu? Trước sự việc dậy sóng dư luận, nghi vấn số tiền lớn như vậy sao không chủ động điều tra? Bà Phương Hằng nói như vậy là đúng hay sai, nên khuyến khích hay không? Bà là công dân gương mẫu có tinh thần tố giác tội phạm thì phải được khen thưởng, thông tin của bà phải được xác minh đến nơi đến chốn, bà phát ngôn chưa chuẩn mực, trên không gian mạng với độ lan tỏa lớn thì cần chiếu theo quy định để nhắc nhở, xử phạt hay như thế nào, nhắc rồi mà vẫn thế thì sao nữa? Vai trò ngành Thông tin và truyền thông, ngành quản lý văn hóa các địa phương đâu? Tôi đã không thấy cư dân mạng bức xúc, truy đến cùng những vấn đề ấy. Chúng ta có đóng thuế để trả lương cho các cơ quan này mà! Chúng ta có quyền lực yêu cầu điều đó cả ở đời thực, và quyền lực tẩy chay, comment dạo, vận động chữ ký online hay chấm sao gì gì đó trên mạng nữa mà!
Đừng dùng bàn phím như đao kiếm để đâm vào bất kỳ ai theo cảm tính trong sự vô minh. Biết đâu có 1 ngày bạn lại thành nạn nhân.
Thế Hà